Theo một số tài liệu, hạt tiêu đen đã được sử dụng trong ẩm thực Ấn Độ từ năm 2000 trước công nguyên, sau đó, trở nên phổ biến khắp châu Á và Trung Đông. Loại gia vị này dần lan tới châu Âu và châu Mỹ, len lỏi vào bàn ăn của hàng triệu người trên khắp thế giới.

Theo cuốn sách "The Book of Spice": “Hạt tiêu ngày nay quá phổ biến, được sử dụng rộng rãi và bừa bãi. Trong khi đó, hạt tiêu đen từng là một loại thực phẩm quý hiếm và đắt tiền. Vào thời Trung cổ, người ta có thể thuê nhà và lấy vợ bằng hạt tiêu". Vào thời kỳ này, tiêu đen có giá trị như vàng. Vậy nên nhiều người còn ví von nó là "vàng đen".

Công dụng của hạt tiêu

Theo Nhà khoa học, Lương y Đa khoa Bùi Đắc Sáng, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội, hạt tiêu là một loại gia vị quen thuộc đối với người Việt. Hạt tiêu không chỉ mang lại giá trị kinh tế cho Việt Nam mà còn là dược liệu quý toàn năng, ông Sáng cho biết.

Hạt tiêu có tên gọi khác là hồ tiêu, cổ nguyệt, hắc cổ nguyệt, bạch cổ nguyệt. Tên khoa học là Piper nigri L., thuộc họ hồ tiêu Piperaceae.

Ông Sáng cho hay theo y học cổ truyền, cây hạt tiêu cho ta hai vị thuốc:

- Hắc hồ tiêu: Quả chưa chín hẳn, phơi khô của cây hạt tiêu.

- Bạch hồ tiêu: Quả chín phơi khô và xát bỏ vỏ ngoài của cây hạt tiêu.

Hạt tiêu là một loại gia vị quen thuộc đối với người Việt.

Trong y học cổ truyền, hạt tiêu có vị cay, tính nóng. Dược liệu này quy vào 4 kinh: Kinh Tỳ, Kinh Vị, Kinh Phế, Kinh Đại Tràng. Hạt tiêu chủ trị chứng vị hàn đàm, ói nước, ăn vào ói, tiêu chảy, tay chân lạnh, đau bụng, buồn nôn, nôn ói, thổ tả, phong thấp, viêm khớp…

Hạt tiêu là vị thuốc kích thích tiêu hóa, giảm đau (phải dùng theo đúng chỉ định và liều lượng của người có chuyên môn). Ngoài ra, hạt tiêu còn có tác dụng sát trùng, diệt ký sinh trùng, gây hắt hơi.

Ông Sáng cho biết y học hiện đại đã nghiên cứu và chỉ ra hoạt chất piperin trong hạt tiêu giúp tăng khả năng hấp thu chất dinh dưỡng của ruột non, cải thiện các vấn đề như ăn lâu tiêu, chướng bụng, đầy hơi, táo bón, đau bụng.

Một số chất có ở vỏ hạt tiêu giúp đốt cháy calo, đào thải độc tố, tăng hiệu quả đốt cháy mỡ dư thừa. Ngoài ra, hạt tiêu còn có tính kháng khuẩn cao, cải thiện tâm trạng, giảm căng thẳng mệt mỏi.

Bài thuốc từ hạt tiêu

- Chữa đau bụng do lạnh, nôn mửa, ỉa chảy, ăn không tiêu: Hạt tiêu 2-4g sắc uống hoặc tán bột hoàn viên uống.

- Chữa phong thấp: Hạt tiêu, hoa hồi, minh thạch lượng bằng nhau nghiền nhỏ, trộn với ít nước, xoa bóp vào chỗ đau.

- Chữa bệnh viêm khớp: Hạt tiêu tán bột trộn với dầu nóng, thoa lên các khớp bị viêm mỗi ngày 2 lần.

- Chữa ngũ tạng (Tâm, Can, Tỳ, Phế, Thận ) phong hàn, nôn ói do lạnh bụng: 30g hạt tiêu đem ngâm với một ít rượu trắng trong khoảng vài tiếng. Mỗi ngày 1 – 2 ly nhỏ (tương đương khoảng 15ml) trước bữa ăn.

- Chữa sưng viêm lợi: Bột hạt tiêu, muối ăn lượng vừa đủ trộn thành hỗn hợp bôi vào chỗ lợi sưng viêm.

Lưu ý khi dùng hạt tiêu

Ông Sáng lưu ý hạt tiêu có tính nóng, do vậy người thể nhiệt, mắc bệnh trĩ, táo bón không nên ăn. Dùng hạt tiêu làm gia vị nấu ăn với lượng nhỏ sẽ tăng kích thích tiêu hóa, làm ăn ngon cơm, tuy nhiên, nếu lạm dụng sẽ gây kích thích niêm mạc dạ dày, xung huyết và viêm cục bộ, gây sốt, viêm đường tiểu tiện, đi đái ra máu.

Ngoài ra, người dân cần bảo quản hạt tiêu ở nơi khô, mát và kín, tránh ẩm mốc. Nếu hạt tiêu đổi màu, có mùi lạ thì nên bỏ để tránh ảnh hưởng tới sức khỏe.

Theo Ngọc Minh